Đến thăm Trạm Y tế xã Vĩnh Phú, chúng tôi ấn tượng với vườn cây thuốc nam của đơn vị, với nhiều loại cây khác nhau được trồng khoa học. Các y, bác sĩ Trạm Y tế xã giới thiệu: Đây là vườn cây thuốc nam được trồng tại Trạm để tuyên truyền, hướng dẫn bà con trong xã biết công dụng của từng loại cây thuốc chữa các bệnh thông thường.

Vườn thuốc nam của Trạm Y tế xã Vĩnh Phú có hơn 30 loại cây thuốc nam được chăm sóc chu đáo, cẩn thận,với các loại cây, như: Bạc hà, bồ công anh, cam thảo, cỏ nhọ nồi, cỏ xước, gừng, chanh, tía tô, kinh giới, mã đề... Mỗi nhóm cây được trồng vào những ô riêng biệt và gắn biển tên, nên thuận tiện cho người dân quan sát, tìm kiếm và sử dụng.


Từ lâu người dân trong xã có thói quen sử dụng cây rừng để làm thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, việc nhận biết cây thuốc và công dụng để điều trị thì không phải ai cũng biết. Vì thế, việc phổ biến, tuyên truyền cho người dân biết, hiểu và sử dụng cây thuốc nam làm dược liệu chữa bệnh là việc làm cần thiết. Chính vì vậy thời gian qua, Trạm Y tế xã Vĩnh Phú đã chú trọng quan tâm phát triển vườn cây thuốc nam, kết hợp với các phương pháp cổ truyền trong điều trị bệnh cho người dân trong xã. Trạm đã chỉ đạo cán bộ thường xuyên sưu tầm nhiều loại cây thuốc dùng chữa các bệnh khác nhau.Thông qua hoạt động khám chữa bệnh hằng ngày, thường xuyên hướng dẫn cho người dân biết tác dụng của từng loại cây trong phòng bệnh, chữa bệnh. Đồng thời, khuyến khích người dân mang cây thuốc nam về nhân giống, trồng tại vườn nhà để tiện sử dụng. Những cây thuốc nam trồng tại Trạm đều được sưu tầm từ các hộ gia đình trên địa bàn. Một số cây thuốc mọc hoàn toàn ở tự nhiên mà người dân không biết, được cán bộ của Trạm đưa về trồng nhằm giới thiệu cho bà con về công dụng và nhân rộng ra cộng đồng. Việc xây dựng vườn thuốc nam là một trong những yếu tố thu hút người dân đến khám, chữa bệnh, nhất là những người cao tuổi mắc bệnh mạn tính, không dùng được thuốc tây y do tác dụng phụ.


Nói về hiệu quả của vườn thuốc nam, YS. Sơn Xi Na – Trưởng Trạm Y tế xã Vĩnh Phú cho biết: “Chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền có rất nhiều lợi ích, cây thuốc nam lành tính, không có tác dụng phụ, tiện dụng, ít tốn kém về kinh tế khi không phải bỏ tiền mua thuốc tây, phù hợp với nhu cầu của người dân. Ngoài ra, dùng thuốc nam chữa bệnh thông thường còn góp phần duy trì nguồn cây dược liệu quý có ngay trong vườn nhà, duy trì, bảo tồn những bài thuốc quý trong dân gian đang có nguy cơ mai một. Thời gian tới, Trạm tiếp tục nhân rộng vườn thuốc nam, tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền lồng ghép với y học hiện đại”

Việc gìn giữ, phát huy vườn thuốc nam tại Trạm Y tế là điều rất cần thiết, vừa đúng theo chủ trương, quy định của Bộ Y tế khuyến khích phát triển mạng lưới y dược học cổ truyền, nâng cao hiệu quả đa dạng hóa các loại hình chăm sóc sức khỏe nhân dân, vừa để tuyên truyền, giới thiệu về cây thuốc nam tại cơ sở khám chữa bệnh, vừa tạo mỹ quan đẹp, trong lành cho cơ sở y tế và các hộ gia đình./

Nguyễn Trung Kiên – Trung tâm Y tế Giang Thành

Số lượt truy cập:

Trực tuyến: